Quyết liệt chống hàng giả
29/11/2018
(SHTT) - Hội nghị “Xúc tiến chống hàng giả -2018” diễn ra sáng nay ngày 23/11/2018, tại TPHCM do Quỹ Chống hàng giả (ACF) tổ chức với sự tham dự của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục C03 (Bộ Công an), Cục A 69 (Bộ Công an), Tổng cục Quản lý thị trường,…
Hội nghị “Xúc tiến chống hàng giả 2018” được tổ chức nhằm cập nhật thông tin đến các doanh nghiêp đang sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn 32 tỉnh, thành phố phía Nam về tình hình, thực trạng cũng như giải pháp trong việc ứng phó với vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trong hoạt động động sản xuất kinh doanh. Thông qua đó, hội nghị còn tạo ra cơ hội gặp gỡ, giao lưu chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước với lãnh đạo sở, ban ngành, các cơ quan chức năng… nhằm gia tăng kết nối và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trong phòng, chống hàng giả hiện nay.
Luật sư Nguyễn Tri Thắng – Phó Chủ tịch Phụ trách miền Nam ACF- cho biết, năm 2018, ACF đã có 15 chương trình hoạt động, trong đó đặc biệt là chương trình 1 và chương trình 2. Chương trình 1 bao gồm chương trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đồng hành Quỹ và doanh nghiệp các Hiệp hội doanh nghiệp liên kết thông qua các hình thức trao đổi, tư vấn pháp lý, tư vấn đầu tư, tư vấn sở hữu trí tuệ. Theo đó, tư vấn 3 nhóm giải pháp chống hàng giả, gồm: Nhóm giải pháp truyền thông, nhóm giải pháp công nghệ chống giả và nhóm giải pháp phối hợp với lực lượng chức năng như A 69/BCA, C03/BCA… Bên cạnh đó, chương trình 2 là chương trình áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chống hàng giả.
Ông Hồ Quang Thái – Phó chủ tịch trực ACF- cho rằng: Hành vi gian lận sản phẩm trong lĩnh vực y tế ảnh hưởng trực tiếp tính mạng, sức khỏe người dân, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Cục phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - cho biết, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua nhiều vụ vi phạm lớn của những đường dây ổ nhóm nghiêm trọng đã được phanh phui. Vấn nạn hàng giả, kém chất lượng đã trở thành mối quan tâm quốc gia, được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo giải quyết.
Theo ông Tiến, mặt hàng bị làm giả nhiều hiện nay là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Gần đây các cơ quan chức năng TPHCM kiểm tra, thu giữ lượng lớn thực phẩm chức năng làm giả cùng hàng nghìn tem, nhãn mác, dụng cụ đóng gói.
Ông Hà Trung Can – Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, hàng giả có nhiều loại từ mắt kính, bóp, ví, phân bón, điện tử đến những mặt hàng chữa bệnh, thực phẩm. Riêng thuốc chữa bệnh và thực phẩm là 2 nhóm hàng cần phải quyết liệt vì nó liên quan đến tinh mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiên quyết xử lý hàng nghìn loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm như không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng... Tình trạng làm giả giấy tờ hồ sơ diễn biến phức tạp, với nhiều vi phạm về sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả, tự tạo giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm...
Qua đó, Cục cũng đã thu giữ hàng chục tấn dược liệu không rõ nguồn gốc. Cục đã phát hiện những sai phạm và chuyển cơ quan điều tra Công ty Đông Dược Hòa Phú (TP HCM), vì không chỉ tuồn dược liệu giả ra thị trường mà còn đưa vào nhiều bệnh viện.
Ông Vũ Hưng Sơn – trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM – cho rằng, vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái ngày một diễn ra phức tạp và tinh vi hơn. Bởi, họ tận dụng công nghệ thông tin trên không gian mạng để mua bán, dẫn dắt người tiêu dùng chưa nhận dạng đúng sản phẩm. Do vậy, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và sự đồng hành của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực nhằm bảo vệ thương hiệu. Việc đấu tranh với những vụ việc vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái, không chỉ vì sự sống còn của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng người tiêu dùng.
Nguồn: sohuutritue.net.vn